Hướng dẫn đăng ký tạm trú online cho người thuê trọ
- Chia sẻ kinh nghiệmĐăng ký tạm trú không còn là thủ tục xa lạ đối với mỗi cá nhân, đặc biệt là trong những trường hợp cho thuê nhà trọ. Hiện nay, thủ tục này đã được số hóa bằng hình thức đăng ký tạm trú online.
Khai báo tạm trú online giúp đơn giản hóa thủ tục khai báo tạm trú thay vì phải đăng ký bằng giấy tờ theo cách truyền thống. Vậy, thủ tục đăng ký tạm trú online được quy định ra sao? Hãy cùng quanlytro.me khám phá qua bài viết dưới đây.
Tạm trú là gì? Vì sao phải đăng ký tạm trú?
Theo khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định: “Khi người dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú theo quy định”.
Thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm và có thể gia hạn nhiều lần.
Việc công dân thực hiện đăng ký tạm trú sẽ giúp chính quyền địa phương kiểm soát được dân cư trong khu vực.
Ngoài ra, đăng ký tạm trú còn hữu ích đối với chính người được đăng ký. Bởi lẽ, bạn đang sinh sống tạm thời tại một địa điểm khác, khai báo tạm trú giúp bạn có thể “chính thức” sinh sống ở đó, đồng thời được hưởng những quyền lợi nhất định, chẳng hạn giúp công dân thuận tiện hơn khi thực hiện các thủ tục như mua bán nhà, mua xe, cho con đi học, đăng ký kinh doanh, vay vốn,...
Giờ đây việc khai báo tạm trú đã trở nên vô cùng đơn giản với hình thức đăng ký tạm trú online.
Có thể thấy, khái niệm tạm trú thường đi liền với nhau, trong đó, đăng ký tạm vắng được hiểu là việc đăng kí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc không có mặt ở nơi cư trú thường xuyên trong khoảng thời gian nhất định. Công dân vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không khai báo tạm vắng hoặc không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác sẽ bị xoá đăng ký thường trú.
Đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của ai?
Trong cho thuê nhà trọ, dường như công việc này được hiểu mặc định là nhiệm vụ của chủ nhà trọ. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, công dân thay đổi chỗ ở ngoài nơi đã đăng ký thường trú có trách nhiệm thực hiện đăng ký tạm trú mới. Như vậy, đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của người thuê trọ.
Mặc dù không quy định về nghĩa vụ của chủ trọ nhưng tại mức xử phạt đối với hành vi không thực hiện đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật thì cả người thuê trọ và chủ nhà trọ đều bị xử phạt hành chính.
Việc nhiều người dân không thực hiện đăng ký tạm trú khi ở trọ gây nên nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc quản lý dân số trong khu vực. Do vậy, chủ nhà có trách nhiệm và nghĩa vụ nhắc nhở, đốc thúc khách thuê nhanh chóng thực hiện đăng ký tạm trú đầy đủ, tránh những rắc rối không đáng có.
Hướng dẫn đăng ký tạm trú online cho người thuê trọ
Theo như thủ tục khai báo tạm trú truyền thống, người khai báo cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm nhiều loại giấy tờ như bản khai nhân khẩu, phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản sao hộ khẩu/CMND/CCCD,... và phải đến trực tiếp tại UBND xã/phường.
Điều này đôi khi gây e ngại cho người khai báo, từ đó dẫn đến nhiều trường hợp công dân cư trú tạm trú nhưng không thực hiện khai báo tại địa phương hay các trường hợp bị phạt hành chính tại các khu trọ về vấn đề tạm trú.
Theo quy định của Luật Cư trú 2020, từ ngày 1/7/2021 sổ hộ khẩu giấy đã chính thức bãi bỏ. Theo đó, công dân có thể thực hiện đăng ký tạm trú online ngay tại nhà.
Cách đăng ký tạm trú trực tuyến này khiến việc đăng ký trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn, người đăng ký có thể thực hiện tại nhà chỉ với thiết bị di động của mình. Đồng thời, việc khai báo tạm vắng, tạm trú online cũng giúp địa phương lưu giữ thông tin công dân một cách đơn giản, dễ dàng, hạn chế việc photo, lưu trữ giấy tờ thủ công.
Sau đây là hướng dẫn đăng ký tạm trú online tại nhà:
Bước 1: Truy cập vào cổng dịch vụ công quản lý cư trú theo đường link dichvucong.dancuquocgia.gov.vn
Bước 2: Chọn mục “Đăng nhập”
Trường hợp không có tài khoản dịch vụ công bạn cần thực hiện “Đăng ký”
Bước 3: Đăng nhập vào cổng dịch vụ công quốc gia. Chọn 1 trong 2 đối tượng “Tài khoản cơ sở cho thuê lưu trú” hoặc “Tài khoản Cổng DVC Quốc Gia”. Trong trường hợp này, bạn chọn “Tài khoản Cổng DVC Quốc Gia”
Tiếp theo chọn “Tài khoản cấp bởi Cổng dịch vụ công quốc gia”
Sau đó nhập đầy đủ các thông tin đăng nhập, bao gồm tên đăng nhập, mật khẩu và mã xác thực.
Bước 4: Tiến hành đăng ký tạm trú online. Tại màn hình chính chọn “Lĩnh vực Đăng ký, quản lý cư trú”, sau đó chọn mục “Đăng ký tạm trú”
Bước 5: Điền đầy đủ thông tin theo yêu cầu, đặc biệt là các thông tin bắt buộc được đánh dấu “*”
Đối với mục “Nhận kết quả giải quyết” chọn nhận kết quả theo 3 cách
- Nhận trực tiếp
- Nhận qua email
- Nhận qua cổng thông tin
Bước 6: Chọn ô xác nhận với thông tin vừa khai báo. Sau đó chọn “Ghi” để lưu lại hồ sơ hoặc “Ghi và gửi hồ sơ”.
Bước 7: Chỉnh sửa lại hồ sơ (nếu có). Tại trang chủ chọn “Hồ sơ” sau đó chọn “Sửa hồ sơ”
Kết luận
Tóm lại, đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của công dân khi thay đổi chỗ ở ngoài nơi đã đăng ký thường trú. Bạn không có thời gian để đến cơ quan công an vào giờ hành chính để đăng ký tạm trú? Đăng ký tạm trú online chính là giải pháp tối ưu dành cho bạn. Hy vọng với các bước hướng dẫn khai báo tạm trú online mà quanlytro.me chia sẻ sẽ hữu ích đối với bạn. Chúc bạn đăng ký thành công! Theo dõi danh mục chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi để không bỏ lỡ các kinh nghiệm hữu ích về cuộc sống trọ.