Hiển thị thông báo
Đang tải...
Đang tải...

Các loại thuế trong kinh doanh phòng trọ

- Kinh doanh phòng trọ

Kinh doanh phòng trọ là loại hình cho thuê bất động sản, do đó chủ trọ cần tuân theo các quy định của pháp luật về luật kinh doanh, đồng thời hoàn tất đầy đủ các thủ tục về pháp lý. Ngoài các quy định về đất đai, xây dựng, an ninh trật tự, đăng ký kinh doanh,... thì người kinh doanh còn phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế.

Vậy, khi cho thuê nhà trọ, chủ trọ cần phải đóng những loại thuế gì, thủ tục khai thuế ra sao, pháp luật quy định như thế nào về nghĩa vụ đóng thuế của người kinh doanh phòng trọ? Qua bài viết dưới đây, Quanlytro.me sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin về thuế giúp chủ trọ dễ dàng hơn trong quá trình kinh doanh nhà trọ.

Kinh doanh phòng trọ có cần đóng thuế không?

Các loại thuế trong kinh doanh nhà trọ
Các loại thuế trong kinh doanh nhà trọ

Pháp luật quy định đối với những mô hình kinh doanh phòng trọ có doanh thu dưới hoặc bằng 100 triệu đồng/năm thì chủ trọ không cần kê khai hay đóng bất cứ loại thuế nào.

Ngược lại, đối với hoạt động kinh doanh phòng trọ có doanh thu hàng năm trên 100 triệu đồng, người kinh doanh phải đóng đầy đủ 3 loại thuế sau: Thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Ai là người đóng thuế?

Đóng thuế tại chi cục thuế quận, huyện
Đóng thuế tại chi cục thuế quận, huyện

Theo Công văn 2994/TCT-TNCN (24/7/2015) tổng cục Thuế quy định đối tượng đóng thuế bao gồm cá nhân, đại diện đơn vị kinh doanh hoặc người được chủ nhà ủy quyền/thuê đóng thuế. 

Cách tính thuế cho người kinh doanh nhà trọ

Quy định của pháp luật về thuế
Quy định của pháp luật về thuế

Vậy, đâu là cách tính chính xác đối với mỗi loại thuế? Hãy cùng chúng tôi giải đáp câu hỏi này. 

Thuế  môn bài

Mức thuế môn bài (hay lệ phí môn bài) đối với loại hình kinh doanh phòng trọ được pháp luật quy định như sau: 

  • Doanh thu từ trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm
  • Doanh thu từ trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm
  • Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm 

Theo quy định tại Nghị định 139/2016/NĐ-CP, thuế môn bài được nộp theo năm. Nếu doanh thu phát sinh từ ngày 1/7 trở đi thì chủ trọ chỉ phải nộp 1/2 mức thuế trên.

Trường hợp đóng thuế nhưng chưa tròn một năm thì doanh thu trong năm đó tính như sau: 

Doanh thu năm dương lịch = (doanh thu phát sinh trong các tháng kinh doanh : số tháng kinh doanh) x 12 tháng

Thuế giá trị gia tăng 

Cách tính thuế giá trị gia tăng
Cách tính thuế giá trị gia tăng

Theo khoản 2 phần phụ lục bảng danh mục ngành nghề Thông tư 219/2013/TT-BTC, đối với dịch vụ lưu trú, kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, người kinh doanh phải đóng mức thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ 5% dựa trên doanh thu.

Thuế thu nhập cá nhân 

Theo công văn số 615/TCT-TNCN của Tổng cục thuế, đối với mô hình kinh doanh phòng trọ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm chủ trọ phải đóng mức thuế thu nhập cá nhân là 5% dựa trên doanh thu trực tiếp từ kinh doanh nhà trọ.

Làm hồ sơ khai báo thuế và đóng thuế kinh doanh phòng trọ như thế nào?

Thủ tục khai thuế, đóng thuế
Thủ tục khai thuế, đóng thuế

Đóng thuế trong kinh doanh nhà trọ không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, nhiều chủ trọ vẫn chưa nắm rõ các quy định về quy trình đóng thuế này. Hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu chi tiết.

Hồ sơ khai thuế

Chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ khai thuế gồm các giấy tờ liên quan như:

  • Bản chụp hợp đồng cho thuê nhà trọ
  • Bản sao CMND/CCCD của chủ thể kinh doanh có công chứng
  • Tờ khai lệ phí môn bài (theo mẫu)
  • Trường hợp ủy quyền cho đại diện khác thực hiện khai và nộp thuế thay thì sẽ khai thuế theo tờ khai mẫu 01/TTS được ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính và phụ lục theo mẫu 01-1/BK-TTS, ngoài ra cần cung cấp thêm giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật

Nơi nộp hồ sơ khai thuế

Chủ nhà nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục thuế quận, huyện nơi tọa lạc của khu trọ.

Trường hợp ủy quyền cho một tổ chức khác khai thuế và đóng thuế thay thì tổ chức sẽ thực hiện đóng thuế tại cơ quan thuế quản lý tổ chức đó.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và đóng thuế

Vậy, khi nào chủ trọ cần nộp hồ sơ khai thuế và đóng thuế?

Các cá nhân, hộ gia đình hoặc doanh nghiệp kinh doanh phòng trọ có thể trực tiếp khai thuế theo hình thức khai thuế một lần theo năm (chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch, thường là ngày 31/3) hoặc theo kỳ thanh toán (chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo).

Người kinh doanh có thể nộp thuế tại một trong các địa điểm sau:

  • Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng hoặc tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật
  • Kho bạc nhà nước
  • Các tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế

Ví dụ thực tế về việc nộp thuế của chủ kinh doanh phòng trọ

Cách tính thuế trên thực tế
Cách tính thuế trên thực tế

Anh A có 10 phòng trọ, mỗi phòng cho thuê với giá 2.000.000 đồng/tháng. Vậy, doanh thu hằng năm anh A có được từ việc cho thuê nhà trọ là: 2.000.000 x 10 (phòng) x 12 (tháng) = 240.000.000 đồng

Các khoản thuế anh A phải đóng được tính như sau:

Thuế môn bài: 300.000 đồng

Thuế thu nhập cá nhân: 240.000.000 đồng x 5% = 12.000.000 đồng

Thuế giá trị gia tăng: 240.000.000 đồng x 5% = 12.000.000 đồng

Suy ra, mỗi năm anh A phải đóng thuế với số tiền: 24.300.000 đồng

Xem thêm: Các quy định trong luật kinh doanh phòng trọ

Kết luận

Tóm lại, đối với những mô hình kinh doanh phòng trọ với doanh thu hằng năm trên 100 triệu đồng thì đóng thuế là nghĩa vụ bắt buộc. Có thể thấy, nghĩa vụ đóng thuế không phải áp dụng đối với tất cả mọi dãy trọ. Tuy nhiên, chủ trọ cần chủ động khai báo chính xác mức doanh thu, đồng thời thực hiện đầy đủ các thủ tục khai thuế, đóng thuế theo quy định của pháp luật để tránh các rắc rối ảnh hưởng xấu đến quá trình kinh doanh. 

Thông tin liên hệ: LOZIDO - Quản lý trọ

  • Địa chỉ: A703 - Chung cư C3, Đường Man Thiện, P.Tân Phú, Quận 9, Hồ Chí Minh
  • Email: lozido.com@gmail.com
  • SĐT:  0965.227.453
  • Website: https://quanlytro.me/